Loãng xương người già (Loãng xương tiên phát):
Thường xuất hiện trễ, diễn biến chậm, tăng từ từ và ít có những biến chứng nặng nề như gẫy xương hay lún xẹp các đốt sống.
ü Loãng xương sau mãn kinh làm nặng hơn tình trạng loãng xương do tuổi ở phụ nữ do giảm đột ngột oestrogen khi mãn kinh
ü Loãng xương thứ phát : Bệnh Loãng xương sẽ trở nên nặng nề hơn, sớm hơn, nhiều biến chứng hơn… nếu người bệnh có thêm một hoặc nhiều yếu tố:
– Kém phát triển thể chất từ khi còn nhỏ, đặc biệt là Còi xương, Suy dinh dưỡng, chế độ ăn thiếu protein, thiếu canxi hoặc tỷ lệ canxi/phospho trong chế độ ăn không hợp lý, thiếu vitamin D hoặc cơ thể không hấp thu được vitamin D… vì vậy khối lượng khoáng chất đỉnh của xương ở tuổi trưởng thành thấp, đây được coi là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của bệnh Loãng xương.
– Tiền sử gia đình có cha, mẹ bị loãng xương hoặc gãy xương
– Ít hoạt động thể lực, ít hoạt động ngoài trời, bất động quá lâu ngày do bệnh tật hoặc do nghề nghiệp
– Có thói quen sử dụng nhiều rượu, bia, cà phê, thuốc lá…làm tăng thải canxi qua đường thận và giảm hấp thu canxi ở đường tiêu hóa.
– Bị mắc một số bệnh: Thiểu năng các tuyến sinh dục nam và nữ (suy buồng trứng sớm, mãn kinh sớm, cắt buồng trứng, thiểu năng tinh hoàn…), bệnh nội tiết : cường tuyến giáp, cường tuyến cận giáp, cường tuyến vỏ thượng thận, bệnh suy thận mãn hoặc phải chạy thận nhân tạo lâu ngày gây mất canxi qua đường tiết niệu, các bệnh xương khớp mạn tính đặc biệt là Viêm khớp dạng thấp và Thoái hoá khớp
– Cần sử dụng dài hạn một số thuốc : Chống động kinh, thuốc chữa tiểu đường, thuốc chống đông và đặc biệt là nhóm thuốc kháng viêm Corticosteroid
CHẨN ĐOÁN
ü Triệu chứng lâm sàng
Loãng xương là bệnh diễn biến âm thầm không có triệu chứng lâm sàng đặc trưng, chỉ biểu hiện khi đã có biến chứng.
– Đau xương, đau lưng cấp và mạn tính.
– Biến dạng cột sống: Gù, vẹo cột sống, giảm chiều cao do thân các đốt sống bị gãy
– Đau ngực, khó thở, chậm tiêu… do ảnh hưởng đến lồng ngực và thân các đốt sống
– Gẫy xương: Các vị trí thường gặp là gãy đầu dưới xương quay, gãy cổ xương đùi, gãy các đốt sống (lưng và thắt lưng); xuất hiện sau chấn thương rất nhẹ, thậm chí không rõ chấn thương.
ü Triệu chứng cận lâm sàng
– Xquang quy ước: hình ảnh đốt sống tăng thấu quang, biến dạng thân đốt sống (gãy làm xẹp và lún các đốt sống)
– Đo khối lượng xương (BMD) bằng phương pháp đo hấp phụ tia X năng lượng kép ở các vị trí trung tâm như xương vùng hông hoặc cột sống thắt lưng, để chẩn đoán xác định loãng xương, đánh giá mức độ loãng xương, dự báo nguy cơ gãy xương và theo dõi điều trị.
– Đo khối lượng xương ở ngoại vi (gót chân, ngón tay…) bằng các phương pháp (DXA, siêu âm…) được dùng để tầm soát loãng xương trong cộng đồng.
Tiêu chuẩn loãng xương của Tổ chức Y tế Thế giới (khi sử dụng kỹ thuật DEXA bone scan)
Sở dĩ không sử dụng T score cho những người dưới 50 tuổi do các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những trường hợp có loãng xương khi chưa đến 50 tuổi là do một nguyên nhân thứ phát (mãn kinh sớm, cường giáp, cường cận giáp, sử dụng corticoid kéo dài…), khi đó sử dụng tiêu chuẩn Zscore =< -2.0 thì được coi là có loãng xương thứ phát.
T score là mật độ xương của người được đo so với mật độ xương đỉnh của quần thể khoẻ mạnh
Z score là mật độ xương của người được đo so với mật độ xương của người khoẻ mạnh cùng giới cùng tuổi cùng quần thể.
Đối với người < 20 tuổi, không chẩn đoán là loãng xương mà chỉ được chẩn đoán là “mật độ xương thấp so với tuổi”, không sử dụng T score mà chỉ sử dụng Z score.
Chỉ số đánh giá gãy xương khi không biết kết quả đo mật độ chất khoáng của xương (BMD)
Bảng điểm đánh giá nguy cơ bị loãng xương (ORAI)
ĐIỀU TRỊ
ü Các phương pháp không dùng thuốc (bao gồm dự phòng và điều trị)
– Chế độ ăn uống: Bổ sung nguồn thức ăn giàu canxi (theo nhu cầu của cơ thể: từ 1.000-1.500mg hàng ngày, từ các nguồn: thức ăn, sữa và dược phẩm), tránh các yếu tố nguy cơ: thuốc lá, café, rượu…tránh thừa cân hoặc thiếu cân.
– Chế độ sinh hoạt: Tăng cường vận động, tăng dẻo dai cơ bắp, tránh té ngã…
– Sử dụng các dụng cụ, nẹp chỉnh hình (cho cột sống, cho khớp háng) giảm sự tỳ đè lên cột sống, đầu xương, xương vùng hông.
ü Các thuốc điều trị loãng xương
– Các thuốc bổ xung nếu chế độ ăn không đủ (dùng hàng ngày trong suốt quá trình điều trị.)
+ Canxi: cần bổ sung Canxi 500 – 1.500mg hàng ngày.
+ Vitamin D 800 – 1.000 UI hàng ngày (hoặc chất chuyển hoá của vitamin D là Calcitriol 0,25 – 0,5 mcg, thường chỉ định cho các bệnh nhân lớn tuổi hoặc suy thận vì không chuyển hóa được vitamin D).
– Các thuốc chống hủy xương: Làm giảm hoạt tính tế bào hủy xương
+ Nhóm Bisphosphonat:
Alendronat 70mg hoặc Alendronat 70mg + Cholecalciferol 2800UI uống sáng sớm, khi bụng đói, một tuần uống một lần, uống kèm nhiều nước. Sau uống nên vận động, không nằm sau uống thuốc ít nhất 30 phút. Tác dụng phụ chủ yếu của bisphosphonate dạng uống : là kích ứng đường tiêu hóa như : viêm thực quản, loét dạ dày, nuốt khó…
Zoledronic acid 5mg truyền tĩnh mạch một năm chỉ dùng một liều duy nhất. Thuốc có khả dụng sinh học vượt trội hơn đường uống, không gây kích ứng đường tiêu hóa và cải thiện được sự tuân thủ điều trị của người bệnh. Chú ý bổ sung đầy đủ nước, canxi và vitamin D trước khi truyền. Có thể dùng acetaminophen (paracetamol) để làm giảm các phản ứng phụ sau truyền thuốc (như đau khớp, đau đầu, đau cơ, sốt). Chống chỉ định : phụ nữ có thai và cho con bú, dưới 18 tuổi (cần xem xét từng trường hợp cụ thể), suy thận với mức lọc cầu thận (GFR)<35 ml/phút
+ Calcitonin (chiết suất từ cá hồi) 100UI tiêm dưới da hoặc 200UI xịt qua niêm mạc mũi hàng ngày. Chỉ định ngắn ngày (2 – 4 tuần) trong trường hợp mới gẫy xương, đặc biệt khi có kèm triệu chứng đau. Không dùng dài ngày trong điều trị Loãng xương, khi bệnh nhân giảm đau, điều trị tiếp bằng nhóm Bisphosphonat (uống hoặc truyền tĩnh mạch).
+ Liệu pháp sử dụng các chất giống hormon: Chỉ định đối với phụ nữ sau mãn kinh có nguy cơ cao hoặc có loãng xương sau mãn kinh:
Raloxifen, chất điều hoà chọn lọc thụ thể Estrogen (SERMs): 60mg uống hàng ngày, trong thời gian ≤ 2 năm.
– Thuốc có tác dụng kép: Strontium ranelat
+ Thuốc vừa có tác dụng tăng tạo xương vừa có tác dụng ức chế hủy xương, đang được coi là thuốc có tác động kép phù hợp hoạt động sinh lý của xương.
+ Liều dùng 2g uống ngày một lần vào buổi tối (sau bữa ăn 2 giờ, trước khi đi ngủ tối).
+ Thuốc được chỉ định khi bệnh nhân có chống chỉ định hoặc không dung nạp nhóm bisphosphonates
+ Thuốc ức chế osteocalcin: Menatetrenon (vitamin K2).
– Các nhóm thuốc khác có thể phối hợp trong những trường hợp cần thiết :
+ Thuốc làm tăng quá trình đồng hoá: Deca Durabolin và Durabolin.
ü Điều trị triệu chứng
– Đau cột sống, đau dọc các xương…(khi mới gẫy xương, lún xẹp đốt sống): Chỉ định calcitonine và các thuốc giảm đau theo bậc thang của tổ chức y tế thế giới. Có thể kết hợp thuốc kháng viêm giảm đau không steroids, thuốc giảm đau bậc 2 (phối hợp nhóm opiat nhẹ và vừa), thuốc giãn cơ…
– Chèn ép rễ thần kinh liên sườn (đau ngực khó thở, chậm tiêu, đau lan theo rễ thần kinh, dị cảm, tê…): Nẹp thắt lưng, điều chỉnh tư thế ngồi hoặc đứng, thuốc giảm đau, thuốc giảm đau thần kinh, vitamin nhóm B … nếu cần.
d) Điều trị ngoại khoa các biến chứng gẫy cổ xương đùi, lún xẹp thân đốt sống
– Trường hợp gẫy cổ xương đùi có thể bắt vis xốp, thay chỏm xương đùi hoặc thay toàn bộ khớp háng.
– Lún xẹp thân đốt sống, biến dạng cột sống: tạo hình thân đốt sống bằng các phương pháp bơm xi măng qua da tạo hình đốt sống có bóng hoặc không bóng. Đây là phương pháp đơn giản chỉ cần gây tê tại chỗ, bệnh nhân có thể đi lại ngay sau phẫu thuật và thời gian nằm viện ngắn 2-3 ngày.
PHÒNG BỆNH
Loãng xương là bệnh có thể phòng ngừa :
– Cung cấp đầy đủ canxi, vitamin D và các dưỡng chất cần thiết chung cho cơ thể trong suốt cuộc đời, theo nhu cầu của từng lứa tuổi và tình trạng cơ thể.
– Duy trì chế độ vận động thường xuyên giúp dự trữ canxi cho xương, tăng sự khéo léo, sức mạnh cơ, sự cân bằng để giảm khả năng té ngã và gẫy xương.
– Hạn chế một số thói quen: hút thuốc lá, uống nhiều rượu, nhiều cà phê, ít vận động…
Nguồn: Bác sĩ Nguyễn Vũ (tổng hợp)