Đau cột sống thắt lưng: Nhận biết nguyên nhân và tiếp cận xử lý.
Nguyên nhân gây đau thắt lưng.
Có đến trên 85% trường hợp đau cột sống thắt lưng không chẩn đoán xác định được nguyên nhân gây bệnh. Nguyên nhân thường gặp nhất gây đau thắt lưng là sự căng cứng khối cơ vùng lưng (cơ lưng, cơ bụng, khối cơ vùng chậu hông) nhằm bảo vệ cột sống chống lại trọng lực của cơ thể và các động tác sai tư thế ảnh hưởng đến cột sống (bê vác vật nặng, ngồi lâu hoặc đứng lâu, cúi- ưỡn hoặc rướn quá mức sai tư thế). Đau cột sống có thể còn do các nguyên nhân khác như thoái hóa cột sống, viêm nhiễm vùng cột sống-đĩa đệm, các bệnh lý về sỏi thận, viêm tụy, loãng xương người già… đặc biệt là có thể gặp ở người béo phì vì cột sống và khối cơ lưng không chịu được sức nặng của cơ thể ( cột sống là cột trụ nâng đỡ toàn bộ cơ thể).
Tiếp cận vấn đề chẩn đoán và điều trị đau thắt lưng.
Vấn đề cốt lõi của điều trị đau thắt lưng là phục hồi lại chức năng vận động của vùng thắt lưng và phòng ngừa đau lưng tái phát. Bên cạnh đó là việc tập luyện cho khối cơ lưng mạnh lên giúp hỗ trợ cột sống cũng là biện pháp hiệu quả phối hợp với các phương pháp khác.
Làm gì khi xuất hiện đau thắt lưng cấp?
Nếu đau thắt lưng cấp xuất hiện sau một vận động cột sống quá mức sai tư thế (bê vác, rướn người lấy đồ vật hoặc sau ngồi quá lâu) bệnh nhân thấy nhói đau vùng cột sống, nhiều trường hợp bệnh nhân còn không thể tự đi lại được
Cách xử trí: Cho bệnh nhân nằm trên ván cứng (nằm trên phản hoặc giường cứng) bất động, nằm thẳng lưng là tốt nhất, một sống trường hợp ngay lúc đó không nằm thẳng được thì cho nằm theo tư thế chống đau của bệnh nhân. Sử dụng thuốc giãn cơ (myonal 50mg) và các thuốc giảm đau (neurotin 300mg, felden 20mg). Thường bất động trong 2-3h cho cơ cột sống mềm lại sau đó mặc áo nẹp mềm 2-3 ngày.
Với những trường hợp đau thắt lưng mạn tính
Đau cột sống thắt lưng tái đi tái lại nhiều lần
Thông thường hay gặp ở công chức văn phòng, nhân viên IT hay những lái xe… hoặc những đối tượng lao động mà công việc phải ngồi lâu trong những tư thế không thuận lợi sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cột trụ nâng đỡ cơ thể là cột sống đặc biệt cột sống vùng thắt lưng cùng. Ngoài ra có thể gặp ở đối tượng thừa cân, cột sống của người bệnh không gánh được trọng lực của cơ thể kiến cho khối cơ vùng lưng phải thường xuyên căng cứng để hỗ trợ cột sống.
Với những trường hợp này thông thường ngoài việc thay đổi thói quen sinh hoạt không tốt như ngồi đúng tư thế, không ngồi lâu quá 30 phút và xen kẽ là các bài tập thể dục tại chỗ để kéo dãn khối cơ cạnh sống thì mặc áo nẹp mềm cột sống thắt lưng vừa có tác dụng điều trị và là test để đánh giá mức độ mất vững cột sống.
Với những người đau lưng mạn tính kéo dài thường được khuyên nên tham gia môn bơi, chơi xà đơn… để kéo giãn cột sống. Tránh các hoạt động bê vác, ngồi lâu.
Đau thắt lưng lặp lại nhiều lần có kèm theo tê bì xuống mông hoặc xuống chân
Đau cột sống thắt lưng là biểu hiện đầu tiên và xuyên suốt quá trình bệnh, theo thời gian thoái hóa cột sống kết hợp với các nguyên nhân khác mà nảy sinh thêm những bệnh gây chèn ép thần kinh gây khó khăn trong quá trình học tập và làm việc, ảnh hưởng đến chất lượng sống của người mắc bệnh. Với những trường hợp này là đã có chèn ép rễ thần kinh (đau thần kinh tọa) nên ngoài những thay đổi các thói quen xấu, tự tập luyện thì nên đi khám bệnh ở những cơ sở chuyên khoa uy tín để được chẩn đoán (thường chụp cộng hưởng từ) rõ tình trạng bệnh và mức độ thoái hóa của cột sống.
Test áo nẹp cột sống: Áp dụng với những bệnh nhân đau thắt lưng tái đi tái lại nhiều lần có hoặc không có chèn ép thần kinh. Nếu người bệnh mặc áo nẹp trong vòng 3 tháng mà thấy đỡ biểu hiện đau thắt lưng, khi bỏ áo nẹp ra bệnh nhân đau trở lại và mặc áo lại đỡ đau. Với biểu hiện đó chứng tỏ bệnh nhân đã bị mất vững cột sống, phối hợp với phim chụp x quang tư thế động thấy có biểu hiện mất vững hoặc trên phim cộng hưởng từ có biểu hiện thoái hóa đĩa đệm thì có chỉ định can thiệp ngoại khoa để làm vững cột sống.
Đau cột sống thắt lưng do các nguyên nhân không phải cột sống
Thường biểu hiện đau cột sống xuất hiện sau các biểu hiện gợi ý như tiểu buốt, tiểu rắt, đau vùng hố thận (bệnh lý sỏi thận hoặc nhiễm trùng tiết niệu); đau vùng thượng vị xuyên ra sau lưng (bệnh lý dạ dày hoặc viêm tụy..); đau âm ỉ vùng bụng thỉnh thoảng có những đợt đau ra sau lưng (bệnh mạch máu trong ổ bụng…); gặp ở người già hoặc phụ nữ có thai (loãng xương, viêm khớp cùng chậu…)…
Trong những trường hợp nêu trên thường những thuốc giảm đau giãn cơ không làm giảm triệu chứng đau lưng, mặc áo nẹp cột sống không đỡ, biểu hiện đau lưng thường xuất hiện sau và không liên quan đến lao động hoặc tư thế sinh hoạt của người bệnh.