Thoát vị đĩa đệm là bệnh thường gặp trong các bệnh lý của đĩa đệm, bản chất là sự di chuyển nhân nhầy đĩa đệm ra khỏi trung tâm thông qua vị trí rách của vòng xơ bao bọc bên ngoài. Đây là nguyên nhân chính gây đau thắt lưng.
Tỷ lệ mắc khoảng 50-100/100.000 dân, 95% trường hợp đau thần kinh tọa, đây là triệu chứng điển hình của thoát vi đĩa đệm.
Giới thiệu về các thành phần của đĩa đệm và chức năng của đĩa đệm
Đĩa đệm nằm trong không gian đốt bao gồm nhân nhầy đĩa đệm nằm giữa, mâm sụn và vòng sợi bao bọc ở ngoài, được giữ cố định bởi dây chằng dọc trước và dọc sau.
Do dáng đi thẳng nên đĩa đệm phải chịu áp lực của tất cả phần trên cơ thể dồn xuống. Sự thay đổi tư thế của nửa trên cơ thể ra khỏi trục sinh lý làm cho áp lực trọng tải tăng lên gấp nhiều lần, nếu áp lực trọng tải quá cao tác động thường xuyên kéo dài sẽ gây thoái hóa. Bên cạnh đó đĩa đệm còn đảm bảo chức năng cho cột sống trong điều kiện tĩnh, nó có chức năng như một “giảm xóc” làm giảm nhẹ chấn động theo trục dọc cột sống
Trong điều kiện bình thường, không những đĩa đệm đáp ứng được những yêu cầu của vận động cột sống, chịu lực nén ép cực đại mà còn tránh không bị tổn thương sớm trước khi thân đốt sống bị đe dọa gãy hoặc bị vỡ. Chính nó đã được điều vận một cách linh hoạt hai đặc tính vừa thích nghi, vừa đề kháng để tạo nên sức chống đỡ cho thân đốt sống trước những tác động của chấn thương.
Nguyên nhân gây ra thoát vị đĩa đệm là gì?
Tóm lược nhất về nguyên nhân thoát vị đĩa đệm là: thoái hóa đĩa đệm là nguyên nhân cơ bản bên trong, tác động cơ học là nguyên nhân khởi phát bên ngoài và sự phối hợp của hai yếu tố đó là nguồn gốc phát sinh thoát vị đĩa đệm.
Chức năng của đĩa đệm là phải thích nghi với họat động cơ học lớn, chịu áp lực cao thường xuyên, trong khi đĩa đệm lại là mô được nuôi dưỡng kém do được cấp máu chủ yếu bằng thẩm thấu. Chính vì vậy các đĩa đệm thắt lưng sớm bị loạn dưỡng và thoái hóa tổ chức, thường bắt đầu từ tuổi 20.
Đĩa đệm thoái hóa đã hình thành một tình trạng sẵn sàng bị bệnh. Sau một tác động đột ngột của các động tác sai tư thế (hình vẽ), một chấn thương bất kỳ đã có thể gây đứt rách vòng sợi đĩa đệm, nhân nhầy chuyển dịch ra khỏi ranh giới giải phẫu của nó, hình thành thoát vị đĩa đệm.
Những nguyên nhân gây chuyển dịch tổ chức đĩa đệm, tác nhân gây nên lồi hoặc thoát vị đĩa đệm là:
- Áp lực trọng tải cao.
- Áp lực căng phồng của tổ chức đĩa đệm cao.
Sự lỏng lẻo từng phần với sự tan rã của tổ chức đĩa đệm. - Lực đẩy và lực cắt xén do các vận động cột sống, đĩa đệm quá mức (xoắn vặn, dồn dập, nén ép) (hình vẽ).
- Hiện tượng thoái hoá cột sống trong đó có thoái hoá đĩa đệm (là sự thay đổi của vòng sụn xơ, sự mất nước của nhân đĩa đệm dẫn tới mất tính đàn hồi và khả năng hấp thụ lực sang chấn của đĩa đệm. Đồng thời, sự thay đổi về cấu trúc và tính chất sinh học sẽ làm vòng sụn của đĩa đệm mỏng đi và dễ rách, nhân đĩa bị xơ hóa, ranh giới giữa nhân đĩa và vòng sụn mất dần. Dưới tác dụng của trọng lực cơ thể hoặc sang chấn, nhân đĩa sẽ xuyên qua chỗ rách của vòng sụn gây thoát vị chèn ép vào ống tủy, rễ thần kinh) và thoái hoá dây chằng.
- Di chuyển của nhân nhầy khi cột sống vận động ưỡn và cúi.
Làm thế nào để phòng tránh bị thoát vị đĩa đệm?
- Làm chậm quá trình thoái hóa và ngăn ngừa tác nhân cơ học là mấu chốt của vấn đề
- Làm chậm quá trình thoái hóa: không đứng, ngồi lâu ở một tư thế trong 45-60 phút, không dùng máy tính- điện thoại quá 60 phút, không bê vác vật nặng tư thế đứng chổng mông quá 10kg, điều kiển các phương tiện giao thông không quá 2 giờ, luyện tập thể thao thường xuyên( bơm, đu xà, đạp xe đạp, các bài tập cơ lưng), giữ cân nặng tránh tăng cân béo phì…khám bệnh định kỳ để phòng chống các bệnh liên quan như loãng xương, thoái hóa xương khớp, điều trị bệnh sớm và kịp thời các thoái hóa cột sống, cong vẹo cột sống…
- Ngăn ngừa các tác nhân cơ học: hạn chế chơi các môn thể thao đối kháng, khởi động kỹ trước khi chơi thể thao, tránh bê vác nặng, với đồ vật đột ngột trên cao hoặc dưới thấp, hạn chế chấn thương thể thao hoặc lao động, đeo đai mềm cột sống thắt lưng khi ngồi lâu quá 1 tiếng…