trượt đốt sống thắt lưng có thể điều trị khỏi hoàn toàn

Trượt đốt sống là bệnh lý mất vững cột sống, gây biến dạng cột sống, chèn ép vào rễ thần kinh và làm hẹp ống sống vì vậy việc điều trị nhằm đạt được các mục đích: làm vững cột sống, giải ép thần kinh, làm mất đi các triệu chứng của người bệnh. Tuy không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng trượt đốt sống gây biến dạng cột sống, đau tê chân 1 hay 2 bên, nếu phát hiện muộn có thể gây teo chân, liệt rễ thần kinh và đại tiểu tiện không tự chủ

Thế nào là trượt đốt sống thắt lưng

Trượt đốt sống là sự di chuyển bất thường ra phía trước của thân đốt sống cùng với cuống, mỏm ngang và diện khớp phía trên. Trượt đốt sống là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây đau thắt lưng do sự mất vững của cột sống thắt lưng, bệnh thường gặp ở nữ nhiều hơn.

Nguyên nhân và phân loại trượt đốt sống

– Tổn thương eo là nguyên nhân hàng đầu gây trượt đốt sống. Eo là phần giao nhau của gai ngang, mảnh và hai mỏm khớp trên và dưới của một thân đốt sống. Eo có vai trò quan trọng đối với sự vững chắc của cột sống. Khuyết eo là tổn thương làm mất sự liên tục của cung sau, gây nên trượt đốt sống. Nguyên nhân hình thành khe hở eo có thể là do chấn thương hoặc do di truyền

+ Thuyết chấn thương cho rằng khe hở eo là do gẫy xương

+ Thuyết di truyền: nghiên cứu cho thấy tỷ lệ hở eo ổn định trong một dòng họ, một dân tộc.

–  Thoái hoá đĩa đệm: tổn thương thường gặp nhất ở trục trước cột sống. Ngoài ra tổn thương diện khớp cũng là tác nhân gây trượt đốt sống

– Chấn thương cột sống có thể gây gãy cuống, vỡ các mấu khớp gây tổn thương cột trụ sau dẫn tới mất vững cột sống và trong một số trường hợp gây trượt đốt sống.

– Một số bệnh lý gây trượt đốt sống: nhiễm khuẩn, ung thư… gây hoại tử, phá huỷ các thành phần cột sống gây mất cân đối giữa hai trục vận động của cột sống gây ra.

– Sau mổ cột sống như: thoát vị đĩa đệm, u tuỷ… phải lấy bỏ cung sau, đôi khi vô tình làm tổn thương cả diện khớp gây lên mất vững cột sống, có thể gây ra

– Đôi khi do loạn dưỡng (rối loạn sự phát triển) xảy ra ngay từ nhỏ mà gây ra kém bền vững của hệ thống cột trụ nâng đỡ cơ thể. Hệ thống khớp và dây chằng không đảm bảo chức năng gây ra TĐS. Tuy nhiên giả thuyết này rất hiếm gặp

Trên thực tế lâm sàng, chủ yếu gặp trượt đốt sống do thoái hoá và khuyết eo, đôi khi gặp do chấn thương hoặc do thầy thuốc gây ra. Hiếm gặp những trường hợp do bệnh lý hay do rối loạn sự phát triển.

Phân loại trượt đốt sống dựa trên nguyên nhân gây bệnh

  • Loại 1: TĐS bẩm sinh hay TĐS do rối loạn phát triển

+ Nhóm phụ 1 A: Thiểu sản mấu khớp, định hướng của khe khớp nằm trên mặt phẳng hướng ra sau, thường có dị tật gai đôi cột sống.

+ Nhóm phụ 1 B: Thiểu sản mấu khớp, định hướng của khe khớp nằm trên mặt phẳng hướng vào trong.

  • Loại 2: TĐS do khe hở eo

+ Nhóm phụ 2 A: Loại khuyết eo được nhận định là do gẫy mệt.

+ Nhóm phụ 2 B: Loại trượt này phần eo cung sau dài hơn bình thường. Sự kéo dài này được giải thích là do hiện tượng gẫy xương và liền xương xảy ra liên tục ở vùng eo.

+ Nhóm phụ 2 C: Chấn thương làm gẫy eo gây trượt.

  • Loại 3: TĐS do thoái hoá: bao gồm thoái hóa đĩa đệm, thoái hóa diện khớp…
  • Loại 4: TĐS do chấn thương các thành phần của cột sống
  • Loại 5: TĐS do bệnh lý như lao, ung thư, nhiễm khuẩn
  • Loại 6: TĐS sau phẫu thuật cột sống
  1. Triệu chứng thường gặp nhất của trượt đốt sống thắt lưng

Biểu hiện chính thường gặp là sự phối hợp của Hội chứng cột sống và hội chứng chèn ép rễ thần kinh

Giai đoạn sớm: thường gặp nhất là đau cột sống thắt lưng tái đi tái lại nhiều lần, đau có tính chất cơ học ( tăng lên khi đi lại, lao động làm việc và giảm đi khi nghỉ ngơi), ngoài ra có thể gặp biến dạng cột sống hoặc ưỡn quá mức sau một vận động quá mức sai tư thế. Với những trường hợp trượt đốt sống nặng hoặc ở người gầy khi qua sát lưng của người bị bệnh sẽ thấy dấu hiệu bậc thang, đây là dấu hiệu điển hình chỉ gặp ở bệnh nhân trượt đốt sống

Giai đoạn nặng khi có chèn ép rễ thần kinh: Thường đau lan từ lưng xuống mông-đùi-cẳng bàn chân cả hai bên kèm theo tê bì – kim châm – rối loạn cảm giác ở mông chân, đôi khi gặp chèn ép một bên. Kèm theo là biểu hiện đau cách hồi thần kinh: biểu hiện tê bì, căng đau cả hai chân khi đi bộ, bệnh nhân không thể đi tiếp, buộc phải nghỉ. Sau mỗi lần nghỉ thì quãng đường đi ngắn dần lại. Triệu chứng này không xuất hiện khi bệnh nhân đi xe đạp. Đây là triệu chứng rất quan trọng giúp chẩn đoán phân biệt với bệnh thoát vị đĩa đệm

Giai đoạn biến chứng tổn thương rễ thần kinh: người bệnh thấy yếu chân, teo chân 1 hay cả hai bên, đôi khi gặp chân đi vạt tép, đi bộ rơi dép hoặc bí đại tiểu tiện hoặc đại tiểu tiện không chủ động

Chẩn đoán trượt đốt sống thắt lưng bằng cách nào?

Chỉ với phim chụp x quang thường quy các tư thế thẳng nghiêng, chếch ¾ và cúi ưỡn tối đa là 90% đã chẩn đoán được nguyên nhân gây trượt đốt sống và mức độ trượt đốt sống. Đây là phương pháp chẩn đoán đơn giản và hiệu quả

Hình ảnh khuyết eo trên phim X quang là hình ảnh dây da trên cổ chó. Phần lớn bệnh nhân chỉ có khe hở eo ở một mức đốt sống, nhưng cũng có thể gặp ở nhiều mức đốt sống.

Các bác sĩ dựa trên phim X quang nghiêng chia mức độ trượt đốt sống thành 04 độ. Trượt độ I khi đốt sống trượt di lệch trong vòng 1/4 chiều rộng của thân đốt sống dưới. Trượt độ II khi đốt sống trượt di lệch từ 1/4 đến 1/2 chiều rộng của thân đốt sống dưới. Trượt độ III khi đốt sống trượt di lệch từ 1/2 đến 3/4 chiều rộng của thân đốt sống dưới. Trượt độ IV khi đốt sống trượt di lệch lớn hơn 3/4 chiều rộng của thân đốt sống dưới. Có tài liệu chia 5 độ, TĐS độ V (Spondyloptosis) là khi đốt sống trượt hoàn toàn (Napoleon’s Hat)

Ngoài ra, X quang động cột sống thắt lưng tư thế cúi tối đa và ưỡn tối đa là phương pháp tốt nhất phát hiện những chuyển động bất thường trong bệnh lý mất vững cột sống. Hai chỉ tiêu chính đánh giá sinh cơ học của cột sống thắt lưng là độ trượt (translation motion) và độ gập góc (angular motion). Số liệu đo được ở trên người bình thường như sau;

Mặc dù di lệch trượt giữa các đốt sống ở người bình thường có thể là 6 mm, nhưng trên thực tế lâm sàng những BN đau cột sống có độ di lệch của đốt sống từ 4,5 mm trở lên hay di lệch 15% được coi là mất vững cột sống. Độ gập góc bệnh lý từng đoạn cột sống như sau: tại mức L1-2, L2-3, L3-4 ³ 150, mức L4-5 ³ 200, mức L5-S1 ³ 250. Các hình ảnh X- quang có giá trị tiên lượng mức độ nặng của bệnh bao gồm: biến dạng gập góc, độ trượt của đốt sống, biến dạng mặt trên của xương cùng và biến dạng hình thang của thân đốt sống trượt. Đây là các dấu hiệu phản ánh chính xác sự mất vững cột sống

Mặc dù x quang đã có thể đánh giá được đến 90% nguyên nhân và mức độ trượt đốt sống nhưng để tiến hành phẫu thuật cho người bệnh thì vẫn phải chụp phim cộng hưởng từ cột sống thắt lưng để đánh giá mức độ chèn ép rễ thần kinh và ống sống của người bệnh

Các phương pháp điều trị trượt đốt sống

Các phương pháp điều trị không mổ

Là phương pháp điều trị triệu chứng, đôi khi giúp bệnh nhân tránh được cuộc mổ nếu bệnh nhân đáp ứng tốt với việc dùng thuốc phối hợp với cố định ngoài

– Bất động trong thời kỳ cấp tính: thường áp dụng trong TĐS do chấn thương. Bệnh nhân được nằm ngửa trên ván cứng ở tư thế giảm đau nhất, thời gian điều trị từ 5-7 ngày, có thể kéo dài hơn. Sau đó sử dụng áo nẹp cột sống. Sau 3-6 tháng mới được vận động bình thường

–  Dùng thuốc: chủ yếu là các thuốc chống viêm giảm đau. Các thuốc an thần giãn cơ nhẹ và các vitamin nhóm B liều cao vì nó có tác dụng chống viêm và thoái hoá, nhất là đối với tổ chức thần kinh.

Ngoài ra có thể sử dụng liệu pháp Corticoid trong trường hợp các thuốc giảm đau chống viêm thông thường không có kết quả điều trị hoặc dùng để phong bế tại chỗ phối hợp với các thuốc tê (phong bế cạnh sống thắt lưng, phong bế rễ thần kinh trong lỗ tiếp hợp…)

– Cố định ngoài: sử dụng áo nẹp cột sống cố định ngoài. Vừa là phương pháp điều trị, vừa là phương pháp giúp đánh giá mức độ đáp ứng của bệnh nhân khi cố định cột sống.

Các phương pháp phẫu thuật điều trị trượt đốt sống thắt lưng

Khi nào trượt đốt sống thắt lưng phải mổ:

Vì trượt đốt sống là bệnh lý mất vững do tổn thương các thành phần trong giải phẫu của cột sống cho nên có đến trên 90% bệnh nhân cần can thiệp phẫu thuật

Với mục đính chung là làm vững cột sống, giải phóng chèn ép rễ thần kinh. Chỉ định mổ được đặt ra khi:

– Có biểu hiện chèn ép thần kinh mà điều trị nội khoa thất bại hoặc đau quá mức không đáp ứng với thuốc giảm đau, trượt đốt sống bẩm sinh ở trẻ em

– Chỉ định mổ cấp cứu khi có biểu hiện: teo cơ, rối loạn cơ tròn

– Có các yếu tố gây mất vững cột sống: khuyết eo, tổn thương diện khớp, tổn thương dây chằng gian gai và liên gai

  1. Mổ trượt đốt sống thắt lưng như thế nào và có an toàn không?

Có 4 kỹ thuật mổ hiện nay đang được áp dụng rộng rãi hiện tại với những chỉ định cho từng phương pháp khác nhau nhưng cùng chung mục đích: cố định cột sống bằng nẹp vít lối sau, lấy bỏ đĩa đệm hỏng bằng lối sau-lối bên hoặc lối trước và ghép xương liên thân đốt và giải ép thần kinh bằng mở cung sau, mở cửa sổ nhỏ hoặc giải ép lỗ liên hợp bằng mổ mở hoặc mổ ít xâm lấn qua hệ thống ống nong và bắt vít qua da với tỷ lệ thành công trong các nghiên cứu trong và ngoài nước từ 85-95%

  1. Tại sao phải chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời

Nếu phát hiện muộn trượt đốt sống sẽ ảnh hưởng lớn tới điều trị thậm chí để lại di chứng mà có điều trị cũng không hồi phục như: trượt đốt sống tiến triển nặng sẽ nắn chỉnh khó khăn trong mổ thậm chí không nắm chỉnh được gây mất máu trong mổ nhiều, tốn kém tiền bạc, tổn thương rễ thần kinh gây teo cơ, đái ỉa không tự chủ, không tự đi lại được.

Ở người có tuổi, loãng xương thì thậm chí không thể nắn chỉnh, vít dung cho người loãng xương tốn gấp nhiều lần vít dùng cho người bình thường, đau lưng kéo dài không khỏi…

 

 

Bình Luận Facebook

4 comments

    1. Chào bạn. Đầu tiên phải có chẩn đoán trước khi điều trị đã bạn nhé. Biểu hiện của bạn là đã có chèn ép rễ thần kinh rồi.Với biểu hiện chèn ép này thì cần chụp phim cộng hưởng từ để khẳng định chẩn đoán rồi sẽ đưa ra phương pháp điều trị cụ thể. Nếu bạn có phim chụp rồi thì hãy gửi cho chúng tôi nhé

  1. Mẹ em bị trượt đốt sống lưng, đã phẩu thuật được hơn 1 năm. Tuy nhiên, gần đây hai chân bị đau vào lúc sáng, khi khám bệnh các bác sĩ chẩn đoán do bị chèn dây thần kinh, chỉ cho uống thuốc nhưng không bớt. Hai chân ngày càng đau nhiều. Do tình hình dịch bệnh nên chưa đến các bệnh viện tốt điều trị, xin tư vấn từ bác sĩ. Xin cảm ơn.

    1. Chào quý vị
      Chúng tôi rất mừng và cảm ơn quý vị đã quan tâm và tin tưởng chúng tôi.
      Với câu hỏi của quý vị chúng tôi xin trả lời như sau: sau phẫu thuật mà có biểu hiện đau tê chân trở lại là biểu hiện của chèn ép thần kinh. Nguyên nhân có nhiều nhưng thường gặp nhất là: xơ dính vùng mổ, thoát vị hay thoái hoá các đốt sống liền kề…Để biết chính xác thì cần làm các thăm dò sau: chụp X-quang cột sống, chụp cộng hưởng từ và đo dẫn truyền thần kinh 2 chân. Rất tiếc do dịch mà quý vị chưa đưa người thân đi thăm khám được thì hay liên hệ qua số đt/zalo/Viber: 0868.368.369 để được nhận bài tập hoặc tham khảo các bài tập qua kênh YouTube.com/tiensibacsinguyenvu hoặc Fanpage để nhận các video tập luyện nhé. Điều quan trọng nhất vẫn phải là thăm khám sớm và chụp phim để đánh giá

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *