TIẾNG NÓI VIỆT NAM: Xóa tan nỗi lo bị liệt sau mổ cột sống

Nguồn: http://baotnvn.vn/tin-tuc/Tien-bo-y-hoc/4682/Xoa-tan-noi-lo-bi-liet-sau-mo-cot-song

Phẫu thuật cột sống lối bên XLIF có sử dụng hệ thống cảnh báo thần kinh an toàn tuyệt đối, xóa tan nỗi lo lắng bị liệt sau mổ của người bệnh.

Việc phẫu thuật cột sống lối bên XLIF có sử dụng hệ thống cảnh báo thần kinh không những thay đổi hoàn toàn thói quen của đội ngũ phẫu thuật viên, mà đã xóa tan nỗi lo lắng bị liệt sau mổ của người bệnh.

Hệ thống cảnh báo hỗ trợ rất nhiều cho phẫu thuật viên

Dù trước đây, những tổn thương thần kinh trong phẫu thuật cột sống gặp không nhiều nhưng hậu quả để lại rất nặng nề. Chính điều này khiến người bệnh lo lắng, đắn đo và chậm trễ đi đến quyết định dù đã có chỉ định mổ của bác sĩ.

TS.BS Nguyễn Vũ và cộng sự thực hiện phẫu thuật cột sống ít xâm lấn lối bên XLIF.
TS.BS Nguyễn Vũ và cộng sự thực hiện phẫu thuật cột sống ít xâm lấn lối bên XLIF.

Bệnh nhân Lê Thanh B, 68 tuổi, ở Thanh Hóa cũng chung tâm lý đó. Tuy nhiên, sau 1 ngày được áp dụng phương pháp phẫu thuật cột sống ít xâm lấn lối bên XLIF tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, ông B đã đi lại bình thường. “Sau mổ 1 ngày, tôi thấy mình như một người khác, đặc biệt đi lại không còn đau đớn như trước nữa”, ông B vui mừng nói.

Ông B cho biết, ông bị thoát vị đĩa đệm, đau thắt lưng lâu rồi, sau đó lan xuống 2 chân, đi lại rất khó khăn. Ông đi khám nhiều nơi, bác sĩ bảo nếu không mổ mà để lâu, chân sẽ teo dần và liệt nên ai mách thuốc gì hay ông cũng điều trị, từ thuốc nam thuốc bắc và vật lý trị liệu nhưng chỉ đỡ được một chút trong vài tháng, sau đó bệnh lại tái phát. Ông còn ra BV108 tiêm màng tủy để giảm đau nhưng cũng chỉ đỡ chút ít mà không khỏi.

Biết thông tin Bệnh viện Đại học Y Hà Nội là đơn vị đầu tiên của Việt Nam áp dụng kỹ thuật phẫu thuật cột sống lối bên XLIF có sử dụng hệ thống cảnh báo thần kinh và mổ thành công cho BN nữ, 55 tuổi, ở Ninh Bình nên ông rất tin tưởng và quyết định đến BV Đại học Y Hà Nội để điều trị bằng phương pháp này.

“Tôi bị thoát vị đĩa đệm đốt L4, 5 nên chủ yếu là nằm vì chỉ đi lại được một lúc là đau như xé thịt. Nhưng khi nằm một lúc lại đau, nước mắt giàn giụa nhưng không dám kêu vì sợ vợ con lo lắng. Lắm lúc tôi đau đến phát sốt, huyết áp lên vù vù nhưng không dám mổ vì bác sĩ bảo mổ sẽ 50/50 nên tôi sợ bị liệt lắm. Thấy BV Đại học Y Hà Nội – là đơn vị đầu tiên của Việt Nam vừa triển khai phương pháp phẫu thuật cột sống ít xâm lấn đường bên XLIF nên tôi xin được mổ luôn”, ông B cho hay.

Một ca can thiệp cột sống lối bên XILF tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (ảnh BV cung cấp)

Một ca can thiệp cột sống lối bên XILF tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (ảnh BV cung cấp)

TS.BS Nguyễn Vũ – Phó Trưởng khoa Ngoại thần kinh cột sống và Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, trước đây trường hợp như ông B nếu phẫu thuật bằng phương pháp mổ mở hoặc mổ ít xâm lấn bằng lối sau sẽ có thể gặp 4 nguy cơ: Thứ nhất do mổ sẽ tác động tàn phá khối cơ lưng do dùng dao cắt cơ lưng; Thứ hai phải mở xương; Thứ ba muốn lấy được khối thoát vị đĩa đệm bị hỏng phải vén rễ thần kinh; Thứ tư là nguy cơ do khi đưa miếng ghép nhân tạo vào thay thế cho đĩa đệm bị hỏng đã lấy đi.

“Tất cả các nghiên cứu từ trong nước và trên thế giới đều cảnh báo, thời điểm đưa miếng ghép nhân tạo vào thay thế đĩa đệm là giai đoạn có nguy cơ tổn thương rễ thần kinh nhiều nhất kể cả mổ mở hay mổ ít xâm lấn lối sau… Với kỹ thuật lối bên này thì nó đi theo con đường riêng và hoàn toàn không ảnh hưởng đến rễ thần kinh. Đường vào của kỹ thuật lối bên đi qua đám rối thân kinh phía bên do đó phải có hệ thống cảnh báo có độ nhạy cực kỳ cao nên phẫu thuật viên hoàn toàn tin tưởng để loại trừ nguy cơ liệt do tổn thương đám rối này. Khi, đi vào đường bên sẽ nâng được cả đĩa đệm cả hai bên nên lỗ liên hợp và rễ thần kinh được làm rộng ra rất nhiều. Chỉ cần một động tác này đã giải quyết được rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai biến, giúp người bệnh tránh được chèn ép rễ thần kinh trong lỗ liên hợp”, TS.BS Nguyễn Vũ khẳng định.

Ưu điểm vượt trội

Trước đây BV Đại học Y Hà Nội chưa thể áp dụng được kỹ thuật này vì chưa đủ trang thiết bị. Theo bác sĩ Vũ, ưu điểm vượt trội của phương pháp này là giảm thời gian phẫu thuật, giảm biến chứng trong và sau phẫu thuật như chảy máu và tổn thương rễ thần kinh. Đặc biệt, áp dụng rất tốt cho người cao tuổi, người bị loãng xương vì trước đây, việc mổ mở và nội soi phải có động tác mài 1 phần của xương cột sống để mở 1 đường đi vào đĩa đệm. Còn phương pháp này là đi thẳng vào đĩa đệm bằng đường bên nên không tác động đến xương sống của bệnh nhân. Chính vì vậy bệnh nhân không có cảm giác đau sau mổ.

“Để có kết quả ngày hôm nay, tôi phải mất rất nhiều năm để có thể chiến thắng được bản thân mình khi thực sự tin vào kết quả này là có thật, bởi trước đó đã quá quen với cách mổ cũ rồi”, bác sĩ NguyễnVũ chia sẻ.

Bác sĩ Vũ cho biết, kỹ thuật này có thể áp dụng cho cả bệnh nhân thoát vị đĩa đệm, hẹp ống sống, trượt đốt sống, tuy nhiên chỉ định rất chặt chẽ. Ví vụ: cánh chậu không vượt quá đĩa đệm; khối cơ thắt lưng chậu phải đảm bảo; cơ lưng còn tốt; không có thoát vị tách rời; bệnh nhân có bệnh phối hợp như suy tuyến thượng thận, đái tháo đường thì cần rất lưu ý vì nhiều trường hợp này sau khi mổ có thể làm cho phản ứng viêm của cơ thể. Còn ở bệnh nhân đái tháo đường thì có trường hợp gây viêm đĩa đệm sẽ phải điều trị lâu dài. Vì vậy, người bệnh cần phải khám và đánh giá cụ thể.

TS.BS Nguyễn Vũ.
TS.BS Nguyễn Vũ.
Thông thường 1 ngày sau mổ bằng kỹ thuật ít xâm lấn đường bên XLIF, BN đi lại bình thường. Tuy nhiên, theo khuyến cáo thì đa phần bệnh nhân là người cao tuổi nên bệnh nhân sẽ được giữ lại 3 ngày để theo dõi, tránh cho bệnh nhân quay trở lại bệnh viện nhiều lần. Việc tập phục hồi chức năng không giống như tập cho những bệnh nhân phẫu thuật cột sống kinh điển mà chỉ tập luyện như người bình thường, tức là chỉ tập cho tránh bị thoái hóa cột sống và tổn thương đĩa đệm”, TS.BS Nguyễn Vũ.

Lưu Hường

Bình Luận Facebook

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *